
Vaccine Sinopharm được Tổ chức Y tế Thế giới phê duyệt khẩn cấp ngày 7/5, có tên gọi BBIBP-CorV. Vaccine do Sinopharm phát triển và Viện Sinh phẩm Bắc Kinh sản xuất, được cấp phép sử dụng tại 64 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đến nay, vaccine này đang sử dụng tại 59 quốc gia với khoảng 800 triệu liều đã được sử dụng, theo Bộ Y tế. Tại Việt Nam, vaccine này được phê duyệt cho mục đích khẩn cấp chống dịch ngày 3/6.

VACCINE SINOPHARM HIỆU QUẢ ĐẾN ĐÂU?
Vaccine Sinopharm của Viện Sinh phẩm Bắc Kinh hiệu quả 79% trong thử nghiệm lâm sàng, có thể chống được tình trạng lây nhiễm biến thể Delta.
Sinopharm sử dụng virus bất hoạt, một công nghệ truyền thống, từng được dùng với vaccine bại liệt. Về cơ bản, phương pháp này tương đối nguyên thủy, giống với cách thức điều chế mà Edward Jenner, nhà khoa học người Anh, cha đẻ ngành miễn dịch học, thực hiện ở thế kỷ 18.

Độ hiệu quả
Cuối năm ngoái, Sinopharm công bố dữ liệu sơ bộ cho thấy vaccine hiệu quả 79%. Kết quả này có sự khác biệt so với công bố của Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất ngày 9/12. Nước này đã phê duyệt vaccine Sinopharm và thông báo hiệu quả 86%.
Trong thử nghiệm lâm sàng mới nhất tại Sri Lanka, công bố kết quả ngày 20/7, các nhà nghiên cứu từ Đại học đầu ngành Sri Jayewardenepura, cho biết vaccine Sinopharm hiệu quả cao chống biến thể Delta.
Phản ứng kháng thể từ vaccine Sinopharm với Delta
Trung bình, 95% tình nguyện viên được tiêm hai liều vaccine Sinopharm có phản ứng miễn dịch tương tự người nhiễm bệnh tự nhiên. Trong đó, 81,25% sinh kháng thể trung hòa, đặc hiệu với mầm bệnh.
Kết quả cũng tương đối đồng nhất ở các nhóm tuổi. 98% người từ 20 đến 40 tuổi phát triển kháng thể sau tiêm vaccine. Kết quả ở nhóm 60 tuổi là 93%.

Nếu không còn lựa chọn tốt hơn, vaccine Trung Quốc vẫn là hướng đi khả quan