Dấu hiệu sốt xuất huyết và cách điều trị

Rate this blog

Sốt xuất huyết đang bùng phát thời gian gần đây, khiến nhiều người lo lắng. Cùng điểm qua nguyên nhân, dấu hiệu sốt xuất huyết và cách điều trị ngay dưới đây bạn nhé

Sốt xuất huyết “leo top” với số lượng mắc bệnh gia tăng và chưa có dấu hiệu thuyên giảm, đặc biệt ở trẻ nhỏ, nhiều bệnh nhi nhập viện chuyển biến nặng, phải thở máy, can thiệp điều trị, thậm chí không qua khỏi.

Theo số liệu của Cục Y tế dự phòng, cả nước ghi nhận hơn 30.000 ca mắc sốt xuất huyết, 15 ca tử vong. So với cùng kỳ 2021, số mắc tăng 17,9%, tử vong tăng 8 ca, dự báo số mắc còn có thể tăng trong thời gian tới. Đáng lo ngại là trong đợt này, số ca sốt xuất huyết nặng cao gấp 5,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tại TP.HCM, chỉ trong 7 ngày qua, toàn thành phố phát hiện thêm 121 ổ dịch sốt xuất huyết. Trong 5 tháng đầu năm, TP.HCM ghi nhận 567 ổ dịch sốt xuất huyết với hơn 10.000 ca mắc, tăng 46,4% so với cùng kỳ năm 2021 (gần 7.000 ca).

Trước tình hình dịch sốt xuất huyết diễn biến nghiêm trọng với biến chứng nặng liên tục gia tăng. Bộ Y tế cảnh báo ngoài việc chủ động phòng bệnh, người dân cần phát hiện sớm chăm sóc, nhìn nhận và theo dõi người bệnh sốt xuất huyết đúng cách rất quan trọng, đặc biệt là sốt xuất huyết ở trẻ em.

Bệnh Sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết là 1 căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Bệnh sẽ lây truyền khi muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) mang mầm bệnh đốt. Căn bệnh này đã được ghi nhận từ thế kỷ XIII, xuất hiện trên 100 nước với 50-100 triệu ca mắc mỗi năm trên toàn cầu. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ra tuyên bố “Thế kỷ 21 là thế kỷ phòng chống bệnh sốt xuất huyết”.

Bệnh sốt xuất huyết để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng
Bệnh sốt xuất huyết để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng

Theo dữ liệu từ WHO cho thấy mỗi năm trên toàn cầu có khoảng 390 triệu ca nhiễm virus Dengue, trong đó 96 triệu người có biểu hiện lâm sàng. Một nghiên cứu khác về sự phổ biến của bệnh sốt xuất huyết ước tính rằng 3,9 tỷ người có nguy cơ nhiễm virus sốt xuất huyết, trong đó 70% gánh nặng thực sự nằm ở các nước châu Á.

Số ca sốt xuất huyết được báo cáo cho WHO đã tăng hơn 8 lần trong hai thập kỷ qua, từ hơn 500.000 ca trong năm năm 2000, lên hơn 2,4 triệu ca năm 2010 và 5,2 triệu ca năm 2019. Số ca tử vong được báo cáo trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2015 tăng từ 960 lên 4032 trường hợp.

Các chuyên gia dịch tễ dự báo chu kỳ 4-5 năm, sốt xuất huyết Dengue sẽ gây ra trận dịch lớn. Năm 2019, trận dịch này bùng phát với hơn 300.000 ca mắc, riêng TP.HCM có khoảng 65.000 ca. Nếu theo đúng chu kỳ, có thể năm 2022 sẽ bắt đầu một trận dịch sốt xuất huyết mới, khi mùa mưa tới, người dân quên dần các khẩu hiệu phòng ngừa dịch bệnh, tạo điều kiện cho muỗi trung gian truyền bệnh phát triển mạnh.

Tác nhân gây bệnh sốt xuất huyết

Tác nhân gây bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue (chi Flavivirus, họ Flaviviridae), vật trung gian truyền bệnh là muỗi vằn (Aedes aegypti), nó có thể đưa virus gây bệnh vào máu của người bệnh bằng cách đốt (chích) trên da.

Dấu hiệu sốt xuất huyết và cách điều trị
Muỗi vằn Aedes aegypti chính là tác nhân trung gian lây nhiễm sốt xuất huyết

Virus Dengue có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Người bệnh nhiễm với chủng virus nào thì có khả năng tạo nên miễn dịch suốt đời với chủng virus đó, nhưng vẫn sẽ có nguy cơ mắc các chủng khác. Vì vậy, những người sống trong vùng lưu hành dịch Dengue có thể mắc bệnh sốt xuất huyết nhiều hơn một lần trong đời bởi chủng virus khác.

Muỗi Aedes aegypti hoạt động vào ban ngày, đặc biệt chỉ có muỗi cái mới có thể đốt người và truyền bệnh. Virus Dengue sẽ ủ bệnh trong cơ thể muỗi Aedes khoảng 8-11 ngày. Sau đó, nếu bạn bị muỗi Aedes chích thì virus sẽ được lây truyền.

Dấu hiệu sốt xuất huyết

Triệu chứng hay dấu hiệu sốt xuất huyết lâm sàng rất đa dạng và dễ nhầm lẫn, có thể diễn tiến từ nhẹ đến nặng. Tùy theo từng mức độ khác nhau, biểu hiện nhận diện sốt xuất huyết cụ thể như sau:

Dấu hiệu sốt xuất huyết
Một số dấu hiện nhận biết bệnh sốt xuất huyết

1. Dấu hiệu sốt xuất huyết nhẹ

Cấp độ sốt xuất huyết nhẹ thường xuất hiện ở người lần đầu tiên mắc bệnh vì chưa có miễn dịch với virus Dengue. Đây là mức độ có các triệu chứng điển hình và không gây biến chứng nguy hiểm gì. Bệnh thường kèm theo triệu chứng sốt và kéo dài trong vòng 4-7 ngày tính từ khi bị truyền bệnh bởi muỗi. Ngoài ra, các triệu chứng khác cảnh báo bệnh như:

  • Sốt cao, lên đến 40,5 độ C;
  • Đau đầu nghiêm trọng;
  • Đau phía sau mắt;
  • Đau khớp và cơ;
  • Buồn nôn và ói mửa;
  • Phát ban.

Các ban sốt xuất huyết có thể xuất hiện trên cơ thể 3-4 ngày sau khi bắt đầu sốt và dần thuyên giảm sau 1-2 ngày. Người bệnh có thể bị nổi ban lại một lần nữa vào những ngày sau đó.

Dấu hiệu sốt xuất huyết
Các ban sốt xuất huyết có thể xuất hiện trên cơ thể 3-4 ngày sau khi bắt đầu sốt

2. Biểu hiện sốt xuất huyết nặng

Ở mức độ này, các dấu hiệu bệnh sốt xuất huyết bao gồm tất cả các triệu chứng của dạng sốt xuất huyết nhẹ kèm theo các tổn thương ở mạch máu và mạch bạch huyết, chảy máu cam, chảy máu ở nướu hoặc dưới da, gây ra vết bầm tím. Cấp độ bệnh này có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, nặng có thể gây tử vong nên cần điều trị khẩn cấp.

3. Hội chứng sốc sốt xuất huyết

Sốc sốt xuất huyết là mức độ nặng nhất của bệnh sốt xuất huyết, mức độ này sẽ bao gồm tất cả các triệu chứng sốt xuất huyết nhẹ cộng với các triệu chứng chảy máu, và hiện tượng huyết tương thoát khỏi mạch máu, chảy máu ồ ạt trong và ngoài cơ thể, sốc (huyết áp thấp).

Thể bệnh này thường xảy ra trong lần nhiễm trùng sau, khi người bệnh đã có miễn dịch chủ động (do đã từng mắc bệnh) hoặc thụ động (do mẹ truyền sang) đối với một loại kháng nguyên virus. Bệnh thường biểu hiện nặng đột ngột sau 2-5 ngày (giai đoạn hạ sốt). Sốc sốt xuất huyết thường phổ biến ở trẻ em, tỷ lệ nhỏ ở người lớn. Bệnh có thể chuyển nặng nhanh chóng, gây suy đa cơ quan và tử vong nếu không được điều trị kịp thời, đặc biệt là ở trẻ em và thanh thiếu niên.

“Những triệu chứng ban đầu của sốt xuất huyết Dengue khá tương đồng với với một số bệnh nhiễm siêu vi khác như cúm. Đặc biệt, khởi phát của sốt xuất huyết Dengue có khi giống với bệnh cảnh Covid-19 nên dễ bỏ sót. Trong bối cảnh hiện nay, tâm lý lo ngại đưa trẻ đi bệnh viện của nhiều phụ huynh dẫn đến nguy cơ trẻ bệnh sốt xuất huyết Dengue dễ trở nặng, gây nhiều biến chứng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng” BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Truyền nhiễm TP.HCM cảnh báo.

Cách điều trị bệnh sốt xuất huyết

Có rất nhiều người chưa hiểu hết về bệnh sốt xuất huyết và cách điều trị như thế nào để ngăn ngừa các biến chứng. Theo đánh giá của giới chuyên môn thì sốt xuất huyết là căn bệnh có nguy cơ gây biến chứng cao và khả năng ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh là rất lớn. Do vậy, việc xác định mức độ nặng nhẹ của bệnh là rất cần thiết để có thể đưa ra phác đồ điều trị bệnh sốt xuất huyết phù hợp.

  • Giai đoạn điều trị sốt xuất huyết ở nhà: Khi phát hiện biểu hiện sốt từ 2 – 7 ngày, người bệnh có thể điều trị ở nhà và biện pháp điều trị duy nhất là bù nước cho người bệnh.
  • Giai đoạn nhập viện thời gian ngắn (12-24 giờ): Cần phải đưa người bệnh nhập viện ngay khi biện pháp bù nước bằng đường uống không mang lại kết quả và người bệnh xuất hiện các điểm xuất huyết dưới da hoặc niêm mạc.
  • Giai đoạn nhập viện thời gian dài (>24 giờ): Bệnh nhân sốt xuất huyết cần phải nhập viện điều trị ngay khi có biểu hiện chân tay lạnh, sốt li bì, mạch yếu, viêm họng, khó thở…

Sốt xuất huyết hiện nay chưa có thuốc điều trị, phương pháp điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng, khi bệnh sốt xuất huyết ở người lớn thuộc thể nhẹ thì có thể chăm sóc tại nhà, cho bệnh nhân nghỉ ngơi và uống nhiều nước, sử dụng các món ăn mềm và có nước, dễ tiêu hóa, hạ sốt với thuốc theo chỉ định, lau mát khi sốt cao. Người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn của bác sĩ, tự theo dõi sát tại nhà, có thể đến bệnh viện thực hiện các xét nghiệm cần thiết (nếu có thể).

4. Phòng ngừa sốt xuất huyết như thế nào?

Sốt xuất huyết là căn bệnh có thể lây truyền từ người này sang người khác qua đường trung gian là muỗi vằn, chính vì thế, biện pháp phòng ngừa sốt xuất huyết ở người lớn và trẻ nhỏ hiệu quả nhất chính là:

  • Vệ sinh nơi ở, môi trường sống xung quanh sạch sẽ.
  • Không nên trữ nước trong nhà.
  • Tiêu diệt muỗi vằn bằng cách đốt nhang muỗi, vợt muỗi, phun thuốc diệt muỗi.
  • Phát quang bụi rậm và ngủ màn để tránh bị muỗi đốt.

Sốt xuất huyết là căn bệnh nguy hiểm với nguy cơ biến chứng rất cao, do vậy, để bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người thân yêu thì mỗi người hãy chủ động tìm hiểu về căn bệnh này và có biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất.

Hi vọng với những chia sẻ ở trên, sẽ giúp bạn đọc có thêm những kiến thức đẻ bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình luôn mạnh khỏe.

We will be happy to hear your thoughts

Leave a reply

So sánh, tìm kiếm giá rẻ nhất
Logo
Shopping cart