DTI có thể cho bạn biết khả năng chi trả nợ nần của bản thân. Trong trường hợp bạn có nhu cầu vay, ngân hàng hay người cho vay cũng dựa vào chỉ số này để xem xét.
DTI là gì?
DTI viết tắt cho Debt-to-Income ratio, nghĩa là tỷ lệ nợ trên thu nhập. Con số này thể hiện sự cân bằng giữa nợ và số tiền bạn kiếm được.
Trong quản lý tài chính cá nhân, bạn không nhất thiết phải biết hệ số này. Tuy nhiên, DTI có thể cần khi bạn chuẩn bị hồ sơ vay mua nhà, mua xe.
DTI thấp chứng tỏ bạn quản lý nợ tốt, từ đó có cơ hội vay thêm hay thay đổi hạn mức tín dụng. Ngược lại, DTI cao báo hiệu bạn có thể đang gánh quá nhiều nợ, và hoàn thành chúng là vấn đề ưu tiên, theo Investopedia.
Làm sao để tự tính DTI?
Công thức tính DTI được thể hiện như sau:
- DTI = Tổng tiền trả nợ hàng tháng / Tổng thu nhập mỗi tháng (gross)
Trong đó, tổng nợ bao gồm tất cả khoản thanh toán theo tháng như số dư thẻ tín dụng, các khoản vay, thế chấp. Sử dụng công thức trên và nhân kết quả với 100, bạn biết nợ đang chiếm bao nhiêu phần trăm thu nhập của mình.
Giả sử, bạn có 20 triệu đồng/tháng và dành 8 triệu đồng để trả nợ. Như vậy, DTI của bạn là 0,4 hay 40%.
Thế nào là DTI hợp lý?
Tùy từng đơn vị cho vay mà số DTI “chấp nhận được” có thể chênh lệch.
Nerd Wallet nói tỷ lệ nợ trên thu nhập từ 20% trở xuống được cho là thấp, còn Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ xem 40% trở lên là dấu hiệu của căng thẳng tài chính.
Tại Việt Nam, DTI trong khoảng 40-70% thường được chấp thuận vay cá nhân. Ở một số ngân hàng, bạn cần thế chấp tài sản khi vay nếu DTI trên 50%.
Investopedia gợi ý 2 cách để giảm DTI:
- Tăng tổng thu nhập tháng
- Cắt bớt nợ định kỳ hàng tháng
Quay trở lại ví dụ trên, nếu bạn được tăng lương lên 25 triệu đồng và vẫn trả nợ 8 triệu đồng/tháng, thì DTI sẽ là 32%, giảm 8% so với ban đầu.
Hoặc, nếu tổng số nợ mỗi tháng giảm còn 6 triệu đồng, thì dù lương giữ nguyên 20 triệu đồng, tỷ lệ vẫn giảm còn 30%.