Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ tại Mỹ và châu Âu, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt sử dụng vaccine Pfizer-BioNTech (vắc xin BNT162b2) của Hãng Pfizer tại Mỹ, đánh dấu bước ngoặt lớn trên hành trình chinh phục đại dịch. Vậy loại vắc xin Pfizer ngừa Covid-19 đầu tiên được phê duyệt tại Mỹ này có gì đặc biệt?
Nội dung chính
Vaccine Pfizer là gì?
Vaccine Pfizer (BNT162b2) là một trong số những ứng cử viên hứa hẹn nhất trong “cuộc đua” sản xuất vắc xin phòng đại dịch Covid-19. Qua các cuộc thử nghiệm lâm sàng đã cho thấy vắc xin BNT162b2 có tính an toàn cao và tỷ lệ hiệu lực là 95% trong việc phòng ngừa hiệu quả virus gây bệnh Covid-19.
Nguồn gốc vắc xin Pfizer (BNT162b2) của nước nào sản xuất?
Vắc xin phòng Covid-19 BNT162b2 là sản phẩm của Tập đoàn dược phẩm Pfizer, New York (Mỹ) và Công ty công nghệ sinh học BioNTech ở Mainz (Đức) hợp tác phát triển. Tập đoàn dược phẩm Pfizer là một trong những cái tên tiêu biểu của trong thị trường dược phẩm thế giới, vốn được xem là biểu tượng của ngành dược Hoa Kỳ. Khởi đầu từ một công ty dược phẩm và hóa chất nhỏ, Pfizer đã vươn lên thành công ty dược phẩm toàn cầu tập trung vào lĩnh vực phát triển các loại thuốc, vắc xin trong nhiều lĩnh vực, bao gồm: ung thư học, miễn dịch học, thần kinh học và tim mạch,… Pfizer có hơn 88.000 nhân sự và cung cấp các giải pháp sức khỏe cho hơn 150 quốc gia.
Tại Việt Nam, Pfizer Thái Lan (trực thuộc Tập đoàn Pfizer) có mặt từ năm 2004, hiện xếp hạng 6 trong những công ty dược phẩm đa quốc gia tại Việt Nam, với văn phòng đại diện tọa lạc tại TP.HCM và Hà Nội, hoạt động với cam kết hỗ trợ sự phát triển của ngành dược và y tế Việt Nam.
FDA đã cấp Giấy phép Sử dụng Khẩn cấp đầu tiên cho vắc xin, BNT162b2, để phòng ngừa COVID-19, cho phép vắc xin này được phân phối tại Hoa Kỳ cho những người từ 16 tuổi trở lên.
Ngày 8/12/2020, Anh đã tổ chức tiêm chủng vắc xin được phát triển chung bởi hãng Pfizer (Mỹ)/BioNTech (Đức). Sau đó là Mỹ, Canada và nhiều nước châu Âu.
Vào ngày 1/1/2021, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đăng một thông báo trên Twitter: “Vắc xin ngừa COVID-19 của hãng Pfizer (Mỹ)/BioNTech (Đức) đã trở thành vắc xin đầu tiên nhận được sự phê duyệt của WHO để sử dụng khẩn cấp kể từ lúc dịch bùng phát”.
Theo AFP, việc WHO đưa vắc xin COVID-19 mRNA vào sử dụng khẩn cấp sẽ là tiền đề cho các quốc gia trên thế giới đẩy nhanh tốc độ nhập khẩu và phân phối vắc xin này.
Mới đây, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cho phép tiêm vắc xin phòng COVID-19 của hãng Pfizer cho đối tượng trẻ em từ 12-16 tuổi. Châu Âu cũng có thể sẽ sớm có hành động tương tự. Theo Bà Janet Woodcock, quyền ủy viên FDA, việc mở rộng tiêm ngừa vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 16 tuổi trở xuống là một bước tiến quan trọng để sớm kết thúc đại dịch. Người dân có thể an tâm với bước đi này, vì trước khi đưa ra quyết định, các cơ quan đã tiến hành xem xét kỹ lưỡng tất cả dữ liệu có sẵn, như hành động tương tự với tất cả các vụ cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc xin COVID-19.
Được biết, ngày 8/6, Pfizer đã bắt đầu thử nghiệm mức độ hiệu quả của vắc xin với trẻ em dưới 12 tuổi.
Cơ chế của vắc xin BNT162b2
Vaccine Pfizer (BNT162b2) ứng dụng công nghệ vật liệu di truyền, sử dụng mRNA làm “mồi nhử” hướng dẫn hệ miễn dịch chống lại mầm bệnh, bằng cách kích thích các tế bào trong cơ thể người tạo ra protein virus. Khi hệ miễn dịch của cơ thể tiếp xúc với protein sẽ sinh ra kháng thể chống lại, từ đó các tế bào miễn dịch nhận biết được virus SARS-CoV-2 và chống lại Covid-19 hiệu quả.
Theo kết quả nghiên cứu của những giai đoạn thử nghiệm trước khi được tung ra thị trường, vắc xin BNT162b2 mang lại hiệu quả bảo vệ lên đến 95% và không để lại tác dụng phụ nghiêm trọng nào. Kết quả này có thể được xem là bước đột phá trong cuộc chạy đua tìm kiếm phương pháp đẩy lùi đại dịch, mang lại niềm hy vọng cho toàn thể nhân loại.
Đối tượng tiêm phòng vắc xin BNT162b2
Vắc xin Pfizer (BNT162b2) được chỉ định phòng ngừa Covid-19 cho những người từ 16 tuổi trở lên, nhằm giảm thiểu tối đa có thể số ca tử vong và mắc bệnh nghiêm trọng, duy trì hoạt động chức năng của xã hội, giảm gánh nặng bệnh tật và kinh tế mà Covid-19 gây ra cho người dân.
Bạn nên thông báo cho bác sĩ biết tình trạng sức khỏe của bản thân trước khi tiêm vắc xin BNT162b2, bao gồm:
- Tiền sử dị ứng;
- Sốt hoặc các bệnh cấp tính đang mắc
- Các bệnh về máu/ Rối loạn chảy máu hoặc đang dùng thuốc chống đông máu;
- Suy giảm miễn dịch hoặc đang dùng thuốc ảnh hưởng hay ảnh hưởng đến miễn dịch;
- Mang thai hoặc dự định có thai;
- Đang cho con bú;
- Đã được tiêm chủng loại vắc xin phòng Covid-19 khác.
Không nên tiêm vắc xin BNT162b2 trong trường hợp bạn:
- Đã có phản ứng nghiêm trọng sau liều vắc xin này trước đó;
- Có phản ứng nghiêm trọng đối với bất kỳ thành phần nào có trong vắc xin này, bao gồm: mRNA,lipids((4-hydroxybutyl) azanediyl) bis(hexane-6,1-diyl)bis(2-hexyldecanoate),2 [(polyethyleneglycol)-2000]-N,N-ditetradecylacetamide,1,2-Distearoyl-sn-glycero-3-phosphocholine, và cholesterol), potassium chloride, monobasic potassium phosphate, sodium chloride, dibasic sodium phosphate dihydrate, và sucrose.
Lịch tiêm vắc xin Pfizer (BNT162b2)
Vắc xin BNT162b2 được chỉ định tiêm bắp với phác đồ tiêm cụ thể như sau:
Gồm 2 mũi
- Mũi 1: lần tiêm đầu tiên;
- Mũi 2: cách mũi 1 sau 3 tuần.
Tác dụng không mong muốn khi tiêm Vaccine Pfizer
Một số tác dụng không mong muốn có thể xảy ra sau khi tiêm vắc xin Pfizer BNT162b2 bao gồm: Sưng đau, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, đau khớp, sốt, vết tiêm đỏ, sưng tấy, buồn nôn, cảm thấy không khỏe và sưng hạch bạch huyết.
Trong một số trường hợp cực kỳ hiếm gặp, vắc xin BNT162b2 có thể gây phản ứng dị ứng sau vài phút hoặc vài giờ sau tiêm như: khó thở, sưng mặt và cổ họng, nhịp tim đập nhanh, phát ban trên cơ thể, chóng mặt và suy nhược.
Theo như báo cáo được đưa ra bởi Hãng dược Pfizer (Mỹ) và Công ty công nghệ sinh học BioNTech (Đức), cho đến nay vắc xin BNT162b2 không gây ra bất kỳ phản ứng nghiêm trọng nào. Trước khi được sản xuất với quy mô lớn như hiện tại, vắc xin BNT162b2 đã trải qua các cuộc thử nghiệm lâm sàng kể từ tháng 5, nhằm phát hiện phản ứng phụ tiềm ẩn. Có ít nhất 4 phiên bản của vắc xin BNT162b2 đã được thử nghiệm và chọn ra loại có tác dụng phụ nhẹ nhất. Sau khi vắc xin được đưa ra thị trường, vắc xin BNT162b2 sẽ tiếp tục được Trung tâm Kiểm soát Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) và FDA tiến hành giám sát để đảm bảo vắc xin không gây ra bất kỳ biến chứng nào về lâu dài.
Độ an toàn của vắc xin Pfizer (BNT162b2)
Trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng đã được thực hiện của vắc xin BNT162b2, những tác dụng phụ không mong muốn xảy ra trong vòng 7 ngày sau khi tiêm là việc rất bình thường và thường từ nhẹ cho đến trung bình. Điển hình như sốt, ớn lạnh, mệt mỏi và đau đầu là phản ứng thường xảy ra sau mũi tiêm thứ hai.
Nói về tính an toàn của vắc xin BNT162b2, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết chỉ có khoảng 1/100.000 được thử nghiệm vắc xin BNT162b2 bị phản ứng quá mẫn nặng. CDC đã khẳng định rằng các lợi ích miễn dịch mà loại vắc xin này mang lại lớn hơn nhiều so với nguy cơ tác dụng phụ Cũng theo phát biểu được đưa ra bởi CDC, bà Nancy Messonnier – một quan chức cao cấp của CDC – cho biết, các ca dị ứng sau khi tiêm vắc xin BNT162b2 đặc biệt hiếm; lợi ích của việc tiêm vắc xin BNT162b2 vẫn rất to lớn và mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây ra những ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe của con người và sự phát triển của xã hội.
Dự kiến vaccine Pfizer sẽ về Việt Nam trong quý 3 và quý 4; mỗi quý sẽ về khoảng 15,5 triệu liều.
Nguồn: https://vnvc.vn/pfizer/